Bạn có biết lý do vì sao quả bóng golf lại có những vết lõm hình tổ ong?

Hầu như chúng ta đều từng nhìn thấy hoặc sờ tận tay những quả bóng golf và đều nhận thấy bề mặt của chúng có những vết lõm rất kỳ lạ với cấu trúc hình tổ ong. Cùng đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời cho câu hỏi này nhé.

Vì sao bề mặt bóng golf lại có những vết lõm nhỏ?

Chúng ta hãy thử tưởng tượng một quả bóng có bề mặt trơn nhẵn đang bay.

Khi bay đi, bề mặt bóng sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí và khiến không khí rẽ ra, luồn ra đằng sau, tràn vào khoảng không trái bóng vừa tạo thành. Chính luồng không khí này sẽ tạo thành một lực cản khiến trái bóng chậm dần lại và không thể bay xa.

Để tối giản lực cản này, các chuyên gia đã sử dụng trái bóng với cấu trúc lõm hình tổ ong. Những vết lõm có thể tạo ra một lớp không khí mỏng bám vào bề mặt của quả bóng, giúp cho không khí di chuyển quanh nó được dễ dàng hơn, khoảng không quả bóng tạo thành nhỏ lại. Điều này có nghĩa là lực cản tác động lên quả bóng cũng giảm xuống.

Theo Tom Veilleux và Vince Simonds, chuyên gia khí động học tại công ty Golf Top-Flite, cầu trúc lõm hình tổ ong có thể giúp lực cản lên quả bóng giảm đi ít nhất một nửa.

Ngoài ra, những vết lõm đó còn có tác dụng giúp trái bóng bay lên dễ dàng hơn. Với quả bóng có bề mặt trơn nhẵn, nó sẽ bay theo cách xoáy ngược, khiến áp lực không khí dưới đáy lớn hơn và đồng thời tạo ra một lực đẩy từ trên xuống. Còn với những quả bóng golf có cấu trúc lõm thì chỉ cần một nửa lực xoáy là bay được với khoảng cách tương đương.