Golf chuyên nghiệp: Xu hướng tất yếu để phát triển golf Việt

Cũng như tất cả các môn thể thao khác, golf muốn phát triển bắt buộc hệ thống golf chuyên nghiệp phải mạnh, được xây dựng bài bản.

Xu hướng tất yếu trên thế giới

Nhìn lại lịch sử thể thao thế giới, bất kỳ môn nào muốn phát triển cần có một nền tảng thi đấu chuyên nghiệp được xây dựng bài bản và vững chắc. Và tất nhiên, golf cũng không nằm ngoài xu thế đó. 

Tiger Woods đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành công nghiệp golf ở Mỹ.

Đơn cử tại Mỹ, nơi golf chuyên nghiệp phát triển nhất thế giới cũng là nơi có ngành công nghiệp golf phát triển nhất. Những golfer chuyên nghiệp thi đấu lấy thành tích và kiếm tiền từ đó. Những golfer xuất sắc sẽ giành được quyền tham gia những giải đấu lớn, có mức tiền thưởng cao, đây là động lực để các vận động viên cố gắng hướng đến và golf chuyên nghiệp ngày một phát triển. Từ đó, tạo nên những golfer “huyền thoại”, thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, giới truyền thông và những nhà tài trợ. Nguồn kinh phí dồi dào do các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ khép kín “vòng tròn” giúp ngành công nghiệp golf ngày một phát triển.

Năm 1997, Tiger Woods giành được danh hiệu major đầu tiên. Ngày sau đó lượt xem golf trên truyền hình đã tăng mạnh và kéo theo nhiều sự thay đổi lớn. Năm 1997, tổng tiền thưởng các giải trên PGA Tour là 70,7 triệu đô la. Con số này tăng lên 135,8 triệu đô la chỉ sau hai năm, do hệ thống ký được hợp đồng truyền hình béo bở. Mùa giải 2018 – 2019, tổng tiền thưởng của 46 sự kiện chính thức PGA Tour lên đến 389,3 triệu đô la. Theo đó, Woods cũng trở thành golfer kiếm được nhiều tiền nhất trên thế giới. Năm 2018, “siêu hổ” thu nhập 63,9 triệu đô la, trong đó 9,9 triệu đô la đến từ tiền thưởng còn 54 triệu đô la từ quảng cáo. Năm 2019, còn số này lần lượt là 2,3 triệu đô la và 60 triệu đô la. Tương ứng, năm 1970, Lee Trevino mới chỉ kiếm được 157 nghìn đô la, chỉ sau đó 20 năm, Greg Norman đã nhận số tiền thưởng lên tới 1,165 triệu đô la.

Với những chính sách hợp lý, golf Nhật Bản phát triển nhanh và mạnh mẽ.

Xu hướng tất yếu nay cũng thể hiện rõ ở Nhật, đất nước có nền công nghiệp golf lớn nhất châu Á hiện nay. Sự bùng nổ của golf Nhật Bản bắt đầu từ năm 1985 dưới thời thủ tướng Yasuhiro Nakasone. Khi đó, chính phủ ban hành luật “Resort Law” mới với nhiều quy định giảm thuế cho các dự án xây dựng sân golf, tạo thuận lợi cho việc chuyển hoá đất rừng và đất nông nghiệp trở thành sân golf và những hạng mục tương tự. Cùng thời điểm, Torakichi Nakamura – golfer hàng đầu xứ sở Mặt trời mọc đã đánh bại Sam Snead và Gary Player để giành chiến thắng tại Canada Cup 1957. Golfer này trở thành huyền thoại lúc bấy giờ và tạo nên ảnh hưởng cực lớn đến golf Nhật Bản. Từ những năm 70 đến đỉnh điểm là những năm 90 của thế kỷ trước, tổng số người chơi golf toàn xứ Mặt trời mọc lên tới 13,7 triệu người, chiếm 10% dân số cả nước; số lượng sân golf tăng lên 2400 sân và 3000 sân tập; người chơi mới tăng trung bình 1 triệu người mỗi năm...

Bên cạnh đó, các công ty sản xuất gậy golf, bóng golf, thời trang golf,... cũng phát triển rầm rộ tạo nên một nền công nghiệp golf bền vững.

Cũng theo thống kê của GolfAsian và Mygolfspy, tại Hàn Quốc thời điểm những năm 1980 golf vẫn còn khá xa lạ. Nhưng chỉ ngay sau chức vô địch U.S. Women's Open của Pak Se - ri vào năm 1998, golf như được truyền cảm hứng và trở thành xu hướng thể thao bùng nổ tại xứ sở Kim Chi. Các con số về golf tăng trưởng không ngừng, và đam mê golf là điều nhìn thấy ở mỗi công dân Hàn Quốc. Hãy nhìn vào các con số dưới đây để thấy lý do tại sao Hàn Quốc đã trở thành một "cường quốc" về golf, đặc biệt là golf Nữ khi các vận động viên của họ luôn giữ những vị trí cao trên bảng xếp hạng Thế giới.

Từ 1998 - 2017: sân golf tăng từ 200 sân lên 450 sân

• Đến 2020: Hàn Quốc có 3,06 triệu người chơi golf, chiếm 5,94% trên tổng dân số 51,5 triệu người.

• Tỉ lệ GOLFER TRẺ từ 22-30 tuổi gia nhập golf chiếm đến 35%.

Gần chúng ta nhất là nước láng giềng Thái Lan - quốc gia luôn nằm trong Top về du lịch golf hàng đầu Thế giới. Trước năm 1970, Thái Lan cũng chìm trong sự phát triển kinh tế chậm chạp không khác gì Việt Nam. Bằng việc tận dụng những chính sách khuyến khích từ ASEAN, Thái Lan đã cho phát triển ngành golf trong nước thông qua việc đẩy mạnh xây dựng những sân golf cao cấp nhằm thu hút các giải đấu lớn, tung ra các gói học golf với giá thành hợp lý. Từ đó tạo nên hệ sinh thái golf đa dạng nhiều lợi ích trong cộng đồng người Thái, đưa môn chơi này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Năm 2019 ghi nhận có tới 8-9% trong tổng số hơn 7 triệu du khách quốc tế đến Thái Lan chơi golf. (Trong khi Việt Nam chiếm 0.5% và Malaysia là 1%)

• Lượng golfer nội địa là 700.000 người, chiếm 1% dân số cả nước (gấp hơn 10 lần golfer Việt)

• Đến 2019, số lượng GOLFER TRẺ trong độ tuổi 20 – 30 chiếm 35% trong tổng số người mới chơi golf.

Triển vọng golf chuyên nghiệp Việt

Những năm gần đây, Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) đã làm rất tốt trong việc phát triển golf phong trào cũng như “ươm mầm” những tài năng trẻ. Cơ sở hạ tầng, số lượng và chất lượng người chơi tăng mạnh, hiện nay trên toàn quốc có 75 sân golf 18 hố đã đi vào hoạt động, 50 sân đang được xây dựng; 50 sân tập golf đã đi vào hoạt động, 20 sân tập đang xây dựng. Golf thu hút khoảng 50 nghìn golfer Việt Nam và khoảng 20 nghìn người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam tham gia.

Các giải golf chuyên nghiệp tại Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm lớn của người hâm mộ.

Trong giai đoạn tiếp theo, Hiệp hội vẫn tiếp tục phát triển chiều rộng cũng như chú trọng đến chiều sâu của các golfer Việt. Chia sẻ về phương hướng phát triển bền vững golf ở Việt Nam, ông Nguyễn Thái Dương – Chuyên viên golf Tổng cục TDTT nhiều lần khẳng định: “Một đất nước muốn sở hữu nền công nghiệp golf phát triển, bắt buộc hệ thống golf chuyên nghiệp phải mạnh. Chúng ta đã có đã có những bước đi đầu tiên, trong đó tiền thưởng là quan trọng nhất, tiếp theo chúng ta cần một hệ thống giải golf chuyên nghiệp vững trãi để nâng bước cho nền golf nước nhà”.

Trần Lê Duy Nhất chiến thắng tại FLC Vietnam Masters 2019 đã mang lại cảm xúc vỡ oà cho nhiều người hâm mộ.

Trên con đường phát triển golf chuyên nghiệp tại Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều tín hiệu đáng mừng với sự ra đời của 2 hệ thống giải VPGA Tour VPG Tour. Hai hệ thống giải đấu tạo một sức hút mạnh đến các golfer chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Từ một bảng đấu Chuyên nghiệp trong giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia do Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) tổ chức đến giải Vô địch golf Chuyên nghiệp Quốc gia 2016 có tiền thưởng 100 triệu đồng và mới đây là hệ thống giải đấu VPGA Tour có tổng mức tiền thưởng 1 tỷ đồng cùng hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày thi đấu đang chứng minh các giải golf chuyên nghiệp Việt đang có sức hút lớn đối với cộng động golfer Việt cũng như các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Số lượng giải đấu liên tục và đều đặn không chỉ giúp golfer Việt có nhiều cơ hội cọ sát, thử sức mình giới hạn, tiệm cận dần với trình độ khu vực.

Golfer Trương Chí Quân mong muốn viết tiếp giấc mơ golf chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Cũng như ở các “cường quốc” golf kể trên, Việt Nam hiện có những cá nhân tạo cảm hứng, đáng kể đến là golfer số 1 Việt Nam Trần Lê Duy Nhất. Với thành tích nổi bật trong và ngoài nước, Duy Nhất luôn trở thành tâm điểm mỗi lần tham gia thi đấu. Đặc biệt, chiến thắng kịch tính sau 3 vòng play off của anh trước golfer Hàn Quốc Park Sang Ho tại FLC Vietnam Masters 2019 Presented by Porsche đem đến người hâm mộ một hy vọng mới, golfer Việt có thể vượt qua golfer nước ngoài. Duy Nhất trở thành niềm tự hào của nhiều người hâm mộ golf Việt cũng như ảnh hưởng đến tương lai của nhiều golfer trẻ như: Trương Chí Quân, Nguyễn Bảo Long, Đặng Quang Anh,... Tiếp bước đàn anh, thế hệ golf trẻ được tập luyện bài bản cùng định hướng rõ ràng đang mạnh mẽ chứng tỏ bản thân bằng những danh hiệu tại nhiều giải đấu trong và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia golf đều chung một nhận định, nếu tiếp tục phát triển đúng hướng và bài bản, trong 1 thập kỷ nữa golfer Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh vị trí cao tại các giải khu vực và thế giới. Đồng thời, nền công nghiệp golf tại Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế lớn cho đất nước với những lợi thế về du lịch.

Chuyện golf số 53: Vhandicap đã giải quyết bài toán HCP cho các golfer ở VN như thế nào?