Làm sao để golf trẻ có sự kế thừa?

Tre già măng mọc, sự nối tiếp của thế hệ này sang thế hệ khác ở trong bất cứ lĩnh vực gì đều quan trọng, đặc biệt là trong thể thao. Golf ở Việt Nam đang chập chững ở những bước khởi đầu, nhưng câu chuyện làm sao để phát triển bền vững, để đi xa hơn thì đầu tư vào golf trẻ cần được quan tâm hơn nữa.

Hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng golf Việt Nam chưa có được nhiều golfer trẻ nổi bật, nhìn đi nhìn lại trong các giải đấu cũng chỉ là những gương mặt thân quen như: Nguyễn Thảo My, Hanako Kawasaki, Trương Chí Quân, Nguyễn Hùng Dũng, gần đây có thêm các gương mặt mới như Đặng Quang Anh, Trần Lam, Nguyễn Bảo Long, chị em Đoàn Xuân Khuê Minh, Đoàn Uy, hay Nguyễn Đặng Minh… Đây đúng là những golfer trẻ tài năng của Việt Nam nhưng liệu có phải là duy nhất và không thể thay thế? Câu trả lời là rất có thể bởi lực lượng kế cận ở thời điểm này gần như chưa sản sinh được thêm nhiều những gương mặt mới đủ nổi bật để kế thừa. 

Trong số các golfer trẻ này, ai sẽ đủ đam mê và dám đi theo con đường chuyên nghiệp như Trần Lê Duy Nhất?

Trên thực tế, hiện nay số lượng các em nhỏ ở lứa tuổi từ 7 - 15 tập golf và chơi golf không nhiều do đây là một môn thể thao không dễ tiếp cận với số đông. Chủ yếu các em đến với golf là nhờ có bố hoặc mẹ đã chơi golf và dẫn dắt các em cùng chơi theo. Mặc dù đã có những tổ chức như cộng đồng GolferVn phát động phong trào đưa golf vào trường học, nhưng cũng chưa đem lại hiệu quả cao do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ. 

Chính vì số lượng các golfer trẻ còn quá ít, nên lực lượng golfer trẻ từ các giải đấu của các hệ thống giải trẻ của Sài Gòn hay Hà Nội hoặc ngay cả giải quốc gia như VJO cũng sẽ dễ dàng nhận thấy lượng Golfer trẻ rất khiêm tốn. Các giải trẻ ở mỗi miền Nam – Bắc mỗi tháng hiện tại chỉ quy tụ được khoảng 30-40 em/giải, nếu là giải toàn quốc sẽ rơi vào khoảng 100 em kể cả khách mời nước ngoài.

Số lượng các em trong các giải đấu trẻ vẫn còn quá khiêm tốn

Mặc cho trong những năm gần đây, số lượng không tăng nhiều hay có thể nói là dậm chân tại chỗ nhưng Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) cũng như các học viện cũng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến golf trẻ. Các giải đấu dành cho Junior nhiều hơn, một số sân golf như của Tập đoàn FLC, Sky Lake, BRG, Thủ Đức cũng có những hỗ trợ nhất định cho phong trào golf trẻ. Hay các học viện như SGGA, EPGA, 72+Golf Academy cũng có các lớp học dành cho trẻ em… Do đó, hiện tại có lẽ đang là thời điểm rất lý tưởng để các bậc phụ huynh hướng dẫn và tạo điều kiện nhiều hơn cho các bé tiếp cận với golf. Cụ thể nhất là dành thời gian cho các em tham gia các giải golf phong trào để tiếp xúc, làm quen bạn mới và dần hình thành niềm yêu thích sâu hơn cho trẻ ở bộ môn này. Một lợi ích khác của hành động này mang lại chính là việc giúp biểu đồ số lượng golfer trẻ tham gia tăng trưởng, từ đó hỗ trợ BTC kêu gọi tài trợ dễ dàng hơn.

Ông Ngô Thế Hào - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội golf Việt Nam từng nhận định: “Để phát triển golf trẻ, bên cạnh những nỗ lực của Hiệp hội Golf Việt Nam và các gia đình có con em theo học golf, còn cần sự chung tay hỗ trợ của rất nhiều cá nhân, tổ chức như các Hội golf địa phương, sân golf, nhà tài trợ. Các giải đấu nói chung và giải cho golf trẻ đều phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ, nếu không có nhà tài trợ, sẽ rất khó để tổ chức giải. Ví dụ như giải hàng tháng cho các cháu ở 2 miền, với phí thi đấu là 1 triệu/cháu vào ngày cuối tuần, số tiền này chỉ đủ trả cho sân. Còn cúp, quà tặng, ăn trưa, tiệc trao giải… phải có các nhà tài trợ. Ở khu vực phía Nam, ngoài các nhà tài trợ thì chính phụ huynh của các cháu cũng ủng hộ phong trào rất mạnh mẽ, theo tôi cần phải công khai những khó khăn và định hướng phát triển cho các cháu, ban tổ chức sẽ nhận được nhiều đóng góp từ xã hội cũng như từ gia đình các cháu”.

Bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy niềm đam mê golf trong trẻ.

Sở dĩ các giải đấu dành cho các Junior lại khiêm tốn, gần như chỉ tổ chức 1 lần mỗi tháng là vì những sự kiện này khá khó kêu gọi tài trợ do tổ chức các giải đấu dành cho Junior thường là phi lợi nhuận. Vì thế, ngoài việc chủ động tài trợ để củng cố golf trẻ thì việc dễ dàng nhất các bậc phụ huynh có thể làm chính là cho con em tham gia năng nổ hơn tại các giải phong trào. Mặt khác, nếu các gia đình đã đầu tư cho con em họ học Golf và chơi golf thì các sân golf và những người làm golf cũng hãy quan tâm, tạo điều kiện cho các cháu ra sân với những ưu đãi nhất định thì tôi tin phong trào golf trẻ sẽ ngày một khởi sắc.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thì cách để nuôi cấy niềm đam mê trong trẻ cũng vô cùng quan trọng. Vẫn biết ươm mầm tài năng cần cả một quá trình, ngoài sự định hướng đầu tư của gia đình ra thì việc duy trì sự yêu thích của các em với môn thể thao golf không phải dễ dàng. Có rất nhiều em sau một thời gian học golf đã từ bỏ, bởi các em đã không thực sự thấy phù hợp hay đủ sự yêu thích đặc biệt với golf.

Với các em nhỏ, không phải cứ đầu tư đầy đủ là các con sẽ yêu thích golf. Tất nhiên, việc các em được làm quen với golf từ nhỏ là một lợi thế, nhưng để nuôi dưỡng đam mê lại cần sự quan tâm, định hướng của gia đình rất nhiều. Bởi với các con trẻ, golf cũng chỉ là một trò chơi.

Bên cạnh đó, Hiệp hội golf Việt Nam nói chung và những Hội golf địa phương cũng có thể tập trung vào đối tượng golfer học sinh. Nếu mang được golf đến với các cụm trường THCS, THPT cả tư thục và công lập, tin chắc bộ môn golf sẽ trở nên gần gũi và kích thích sự tò mò, yêu thích của trẻ đối với bộ môn này.

Golfer trẻ tuổi Đoàn Xuân Khuê Minh cho biết: “Em cảm thấy golf Việt hiện đã tiến bộ về chất lượng và cả số lượng golfer rồi nhưng nhóm golfer trẻ vẫn chưa thật sự có nhiều bạn muốn theo đuổi golf sâu hơn. Để so sánh golfer Việt với golfer ở các nước trong khu vực Đông Nam Á thì khoảng cách vẫn còn khá xa và chúng ta còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”.