Số lượng golfer châu Á tham dự Masters 2018 gia tăng ngày càng nhiều

Các tay golf đến từ các quốc gia châu Á ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các giải đấu lớn và mùa giải Masters cũng không là ngoại lệ. Với sự góp mặt của các cá nhân xuất sắc nhất đại diện cho mỗi quốc gia, các golf thủ châu Á được kỳ vọng sẽ mang về chiếc áo xanh đầu tiên cho châu lục.

Mùa giải Masters 2018 chứng kiến sự tham gia của nhiều gương mặt đến từ châu Á nhất từ trước tới nay. Tính từ năm 2009, con số các golf thủ châu Á luôn được duy trì ở con số 8. Nhưng theo thống kê mới đây nhất của trang Masters.com, sự kiện lần này có tổng cộng 9 tay golf là người châu Á, họ đến từ 5 quốc gia là: Hàn Quốc (1 người), Nhật Bản (4 người), Trung Quốc (2 người), Ấn Độ (1 người) và Thái Lan (1 người).

Đại diện duy nhất đến từ Hàn Quốc là golf thủ Kim Si-woo – người đã nắm giữ vị trí thứ 51 trên bảng xếp hạng thế giới vào năm ngoái. Anh cũng đã vinh dự ghi tên mình vào lịch sử The Players Championship là người trẻ tuổi nhất giành chức vô địch. Nhờ vào đó, Kim Si-woo nhận được tấm vé thông hành tham dự giải Masters trong vòng 3 năm liên tiếp.

Mặc dù vào năm ngoái, Kim Si-woo cũng đã có vinh dự tham dự mùa giải Masters nhưng không đạt được thành tích gì đáng kể. Đến với mùa giải lần này, Kim Si-woo đã tuyên bố: “Với vinh dự là đại diện duy nhất đến từ Hàn Quốc, tôi sẽ thi đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất với mục tiêu đem lại những thành tích cao nhất cho nước nhà.”

Tay golf Kim Si-woo

Năm nay, các tay golf Nhật Bản chiếm số lượng áp đảo với 4 thành viên. Trong đó, cái tên nổi bật nhất là Hideki Matsuyama, anh hiện đứng vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng golf thế giới. Ngoài ra còn có sự tham dự của top 3 vô địch Japan Golf Tour (JGTO) là Miyazato Miku, Satoshi Kodaira và Iketa Kota.

Golf thủ Hideki Matsuyama

Hai golf thủ người Trung Quốc được vinh dự góp mặt tại Masters 2018 là Li Hao Tong và Lin Yu Shin. Dù họ chỉ thi đấu ở những giải không chuyên nhưng đều đạt được những thành tích đáng nể trong sự nghiệp của mình. Li Hao Tong là nhà vô địch hai lần giải European Tour đồng thời là tay golf người Trung Quốc duy nhất lọt vào top 50 của bảng xếp hạng thế giới.

Li Hao Tong

Lin Yu Shin cũng vừa chiến thắng giải Asian Amateur Championship (AAC) vừa diễn ra tại New Zealand vào tháng 10 năm ngoái. Với sự phát triển nở rộ của ngành công nghiệp golf tại Trung Quốc, tay golf 17 tuổi Lin Yu Sin đã chia sẻ: “Giới trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm tới bộ môn thể thao này. Họ thường bắt đầu sự nghiệp cầm gậy của mình ở độ tuổi rất trẻ, chỉ khoảng 5 hoặc 6. Vào thời điểm tôi bắt đầu đến với golf, ở Trung Quốc chỉ có khoảng 300 400 người. Nhưng hiện nay, con số các tay golf trẻ đến luyện tập tại sân golf thật không thể tưởng tượng được.”

Dù không đủ điều kiện tham dự và chỉ đứng ở vị trí thứ 68 thế giới, golfer Ấn Độ Shubhankar Sharma vẫn được tham dự Masters 2018 nhờ vào những nỗ lực của anh tại những giải đấu vừa qua. Tính đến cuối năm ngoái, anh đã hai lần vô địch European Tour Tournament. Sharma sẽ là golfer thứ 4 của Ấn Độ tham dự the Masters, 3 người trước đó là Jeev Milkha Singh, Arjun Atwal và Anirban Lahiri.

Shubhankar Sharma

Về bộ môn golf tại Ấn Độ, anh cho biết: “Hiện đã có rất nhiều thay đổi ở nền công nghiệp golf Ấn Độ so với khoảng thời gian tôi bắt đầu tập. Cơ sở vật chất phục vụ cho môn thể thao này cũng được chú trọng phát triển từng chút một. Vào thời của tôi chỉ có duy nhất một sân golf tại Ấn Độ nhưng hiện nay đã có 4 tới 5 sân golf được hoàn thành. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng sẽ có một sự phát triển vượt trội hơn cho nền golf Ấn Độ tại các sân đấu lớn của thế giới.”

Shubhankar Sharma

Một cuộc khảo sát tất cả 109 golf thủ châu Á có mặt tại Masters trong vòng 20 năm qua được thực hiện bởi trang web chính thức của giải Masters. Họ đã đưa ra kết luận: Choi Kyung-joo là golfer châu Á có những màn thi đấu tuyệt vời nhất thông qua những gì anh thể hiện ở giải Masters 2004. Vào năm 2003, anh cũng vinh dự là tay golf trẻ nhất tham gia thi đấu tại sân golf Augusta National Golf Club (Mỹ).

Golfer đến từ châu Á đầu tiên có mặt tại Masters là Toda Torchi của Nhật Bản. Ông tham dự giải Masters thứ 3 được tổ chức vào năm 1936. Tiếp theo là sự hiện diện của golf thủ Ben Arda vào năm 1962. Kể từ đó, sự gia tăng số lượng các golfer châu Á diễn ra không ngừng. Năm 1983, 1987 và 2000, con số tăng lên đến 4. Năm 2007 có sự tham gia của 5 golfer và 6 người vào năm 2008. Trong 3 năm từ năm 2009 đến 2011, con số duy trì ở số 8.