Sự lên ngôi của golf thủ Hàn Quốc với những chiến thắng tại LPGA Tour

LPGA Tour mùa 2017 đánh dấu sự lên ngôi của những tay golf mang quốc tịch xứ Kim chi với thành tích đạt được chiếm phân nửa số chức vô địch của mùa giải này.

Trong 32 sự kiện từ đầu năm 2017, các golfer Hàn Quốc thể hiện sự thống trị tuyệt đối ở nhiều bảng đấu với 15 chức vô địch, bao gồm hai cú "hattrick" - vô địch ba giải liên tiếp.

Sự thống trị của người Hàn ở làng golf nữ là điều dễ dàng nhận ra khi nhìn lên bảng điểm thế giới. Dẫn đầu bảng thành tích là hai tay golf Park Sung-hyun và Ryu So-yeon, bên cạnh đó, Hàn Quốc còn đánh dấu sự góp mặt của mình với sự hiện diện của hai golf thủ khác cũng nằm trong top 10. Xét trong top 20, các golf thủ Hàn Quốc thực sự chiếm đến một nửa. 

Hai tay golf Park Sung-hyun và Ryu So-yeon.

Park In-bee (số 11 thế giới) là cái tên nổi bật làng golf Hàn Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Cô nắm giữ 7 danh hiệu major, 18 chức vô địch LPGA Tour và đoạt huy chương vàng Olympic. Tuy nhiên, cô gái sinh ra tại Seoul này lại là sản phẩm đào tạo của giới golf Mỹ khi đã gia nhập các CLB golf trứ danh xứ cờ hoa từ năm 12 tuổi. Đó cũng là con đường mà nhiều tay golf trẻ Hàn Quốc hướng tới.

Golf thủ Park In-bee

Điểm khác biệt giúp các golfer Hàn Quốc chiếm giữ đỉnh cao thế giới có lẽ không nằm ở việc họ được đào tạo ở đâu, mà ở chính những yếu tố bên trong mà xứ sở Kim chi nắm giữ. Mặc dù gặp bất lợi về địa hình do quỹ đất chật chội dẫn tới việc chỉ có khoảng 200 sân golf nhưng Hàn Quốc lại sở hữu hệ thống giải mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải ngưỡng mộ.

KLPGA Tour, hệ thống cao nhất của golf nữ Hàn Quốc, thuộc top 5 thế giới. Con số sự kiện được tổ chức bởi hệ thống này lên đến 78 mỗi năm, tương đương với việc mỗi tuần đều đặn có một sự kiện được diễn ra.

Tổng số tiền thưởng được trao lên tới 20 triệu đôla Mỹ. Khác với LPGA Tour chỉ có Symetra Tour được xem là "sân đấu nhỏ" cho các golfer mới bắt đầu chơi chuyên nghiệp, KLPGA có hẳn ba cấp độ giải, tương tự các hạng đấu trong môn bóng đá.

Ba cấp độ đó bao gồm: Jump Tour, Dream Tour và KLPGA Tour. Các golfer sẽ bắt đầu sự nghiệp của mình khi tham dự Jump Tour, sau đó chuyển lên Dream Tour và cuối cùng là KLPGA Tour. Điều này giúp tạo nên một tiền đề vững chắc để rèn luyện kỹ năng cũng như tâm lý vững vàng, giúp các golf thủ bước vào đấu trường thế giới LPGA Tour. 

Bằng việc xây dựng hệ thống các giải đấu khoa học và dày đặc như trên, môn thể thao vua của thế giới được Hàn Quốc biến thành môn thể thao của toàn xã hội. 

Tuy vậy, họ vẫn cần một nguồn cảm hứng để khơi dậy tinh thần yêu golf của thế hệ trẻ của đất nước. Hình tượng đó đã xuất hiện 20 năm trước khi Park Se-ri vô địch PGA Championship và US Open cùng năm 1998. Cô gái khi đó mới 21 tuổi đã trở thành hiện tượng của thể thao xứ sở này, và là thần tượng số một trong lòng giới trẻ Hàn Quốc yêu golf.

"Chị ấy thực sự là một huyền thoại", golfer số 23 thế giới Jang Ha-na phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CNN năm ngoái. "Tôi cảm thấy thật sự vinh dự khi trở thành một phần của golf nữ Hàn Quốc để tiếp bước những thành công của chị ấy".

Không như nhiều thế hệ đàn em sau này, Park Se-ri tập luyện và trưởng thành từ những giải đấu nghiệp dư trong nước. Cô thuộc dạng tài năng đặc biệt khi chơi chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi và sang Mỹ tham dự LPGA Tour năm 20 tuổi.

Người Mỹ bây giờ phải tìm hiểu xem vì sao golfer nữ Hàn Quốc lại trở nên mạnh mẽ như vậy. CNN đưa ra giả thiết điều này là một kết quả tất yếu khi xã hội Hàn Quốc hiện đại có tính cạnh tranh cao ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm thể thao. Chính điều đó đã thúc đẩy ý chí của các golfer Hàn, giúp họ tiến bộ thần tốc qua mỗi mùa giải.

Những tiết lộ của Jang Ha-na cho thấy giả thiết này là có cơ sở. "Tôi nhận thấy các golfer Mỹ cư xử với nhau như những người bạn cả trên sân và bên ngoài. Nhưng tại Hàn Quốc, điều đó dường như  không thường xuyên xảy ra bởi chúng tôi luôn coi nhau là tình địch. Giữa chúng tôi là sự ganh đua khốc liệt", cô nói.