Vietnam Masters - giải đấu đặt nền móng cho Golf chuyên nghiệp Việt Nam

Là một trong những giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2017, tới nay Vietnam Masters đã trở thành thước đo tiêu chuẩn, đặt nền móng cho các giải golf chuyên nghiệp Việt Nam. Vietnam Masters đang ngày một hiện thực hóa ước mơ về một giải ‘masters' của Việt Nam như nước Mỹ có The Masters Tournament, một giải đấu được giới golf nhà nghề mong chờ.

Ước mơ một giải golf nhà nghề như ‘The Masters Tournament’ 

Ngược dòng thời gian về năm 2017, phong trào golf tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh hơn,  hàng loạt các câu lạc bộ được thành lập và đi vào hoạt động từ Bắc tới Nam. Theo đó, các giải đấu nghiệp dư, cũng như các giải phong trào cũng bắt đầu được tổ chức thường xuyên và đều đặn trên khắp các tỉnh thành.

Trong khi phong trào golf bắt đầu lớn mạnh, điều vẫn khiến nhiều golfer chuyên nghiệp và các nhà quản lý tổ chức golf chuyên nghiệp tại Việt Nam như Nguyễn Thái Dương trăn trở, là làm cách nào để phát triển golf chuyên nghiệp bởi một nền golf lớn mạnh phải bắt đầu từ golf chuyên nghiệp. Thời điểm ấy, Việt Nam mới chỉ có 2 golfer đủ điều kiện tham gia các giải golf chuyên nghiệp quốc tế là Trần Lê Duy Nhất và Nguyễn Thái Dương. Đây thực sự là một con số khiêm tốn so với các nước láng giềng như như Thái Lan, Malaysia hay xa hơn là Nhật Bản và Hàn Quốc. Một trong những lý do quan trọng nhất chính là việc thiếu các sân chơi dành cho họ.

FLC Vietnam Masters 2017 đã thu hút được sự quan tâm lớn của những người yêu golf tại Việt Nam.

Để cải thiện về kỹ năng cũng như tâm lý thi đấu, điều quan trọng đối với các golfer chuyên nghiệp là phải được cọ xát thường xuyên ở các giải đấu với các đối thủ ngang tầm hoặc thậm chí đẳng cấp hơn. Với một nền golf còn non trẻ như tại Việt Nam vào thời điểm đó, điều này rất khó để thực hiện, vì có quá ít các vận động viên có thể tham gia thi đấu chuyên nghiệp, trong khi Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để các golfer nhà nghề trong khu vực muốn tham gia thi đấu. Đa phần, các golfer chuyên nghiệp tại  Việt Nam chỉ có thể cọ xát với các golfer nghiệp dư có singhe handicap qua các giải đấu phong trào.

Tuy nhiên, ở thời điểm mà người chơi golf và làm golf nước nhà còn chưa được trải nghiệm một Tour golf "Made in Việt Nam" thì từng có khá nhiều những hoài nghi về giải đấu này. Những câu hỏi về cách thức vận hành giải đấu, sự tích cực của các VĐV, tiền thưởng,... trong bối cảnh khi mà nền golf Việt còn rất non trẻ đã mau chóng được giải đáp chỉ ngay sau một mùa giải đầu tiên FLC Vietnam Masters 2017. 

Điều gì đã làm nên thành công của FLC Vietnam Masters ngay từ mùa giải đầu tiên và đưa giải đấu trở thành nền móng cho tổ chức giải golf chuyên nghiệp?

Vietnam Masters - Chuẩn mực của giải golf chuyên nghiệp Việt Nam 

Khi nhìn lại công thức thành công của Vietnam Masters từ năm 2017, không thể không nhắc tới yếu tố đầu tiên là yếu tố con người. 

Vietnam Masters được sáng lập bởi golfer Nguyễn Thái Dương - chuyên viên Tổng cục TDTT, phụ trách mảng golf. Là một golfer chuyên nghiệp lại có thời gian dài học đại học và học golf tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác, cùng nền tảng gia đình có truyền thống chơi golf - làm golf, Nguyễn Thái Dương đã đặt một tầm nhìn lớn ngay từ ngày đầu. “Nếu nước Mỹ có The Masters Tournament, nước Anh có The Open, thì ước mơ của tôi khi đó là có một giải Masters của Việt Nam - một cuộc chơi chuyên nghiệp, đẳng cấp mà mọi VĐV nhà nghề đều tin cậy, hứng khởi và tự hào khi tham dự. Còn người hâm mộ sẽ có cái nhìn mới về golf made-in-Việt Nam, xây dựng bởi người Việt, và dành cho người chơi Việt Nam', Dương chia sẻ về ngày đầu sáng lập giải Masters của Việt Nam.

Với tiêu chuẩn duy nhất là ‘chuyên nghiệp', mọi yêu cầu Nguyễn Thái Dương đặt ra cho đội ngũ của mình, đều học theo tiêu chuẩn của các giải đấu golf lớn.  

Đội ngũ trọng tài điều hành giải đấu năm 2017

Ví dụ, để đảm bảo tính công bằng và chuyên nghiệp, ngay trong lần đầu tiên giải đấu diễn ra, BTC của Vietnam Masters đã hợp tác với đội ngũ trọng tài có trình độ cao, đạt chứng chỉ R&A Level 3 như ông Vũ Quân, Vũ Nguyên, Đinh Hồng Minh hay Dương Quang Huy nhằm đảm bảo được tính chuyên môn trong công tác điều hành giải, chuẩn bị sân thi đấu đúng tiêu chuẩn nhưng phù hợp với mặt bằng chất lượng chung của người chơi. 

Về sân đấu, giải đấu có sự đồng hành của nhà tài trợ chính là Tập đoàn FLC - đơn vị phát triển sân golf hàng đầu Việt Nam chính vì thế trong suốt 4 năm qua, Vietnam Masters luôn diễn ra trên các sân golf tiêu chuẩn cao nhất trong nước. FLC Golf Links Sầm Sơn sân đấu của mùa giải 2017 khi ấy được giới chuyên gia đánh giá là một trong số những sân tốt nhất tại Việt Nam với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất hiện đại nhất vào thời điểm bấy giờ. Và ba mùa giải sau đó đều được diễn ra tại các sân golf tiêu chuẩn quốc tế của FLC. Giải đấu năm nay diễn ra tại Vinpearl Golf Hải Phòng cũng là một trong những sân golf được đánh giá hàng đầu Việt Nam.

Về mức tiền thưởng, ngay trong năm đầu tiên tổ chức còn nhiều khó khăn, BTC đã đưa ra một mức giải thưởng hấp dẫn, lên tới 1,1 tỷ đồng để VĐV tham dự thực sự cảm thấy giá trị golf chuyên nghiệp khác biệt so với golf nghiệp dư. 

FLC Vietnam Masters luôn thu hút những golfer hàng đầu tham dự.

Với những nỗ lực đó, FLC Vietnam Masters mùa đầu tiên năm 2017 đã quy tụ 68 golfer chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam tham dự. Trong đó có rất nhiều gương mặt nổi bật như PGA-Úc Phạm Minh Đức, Doãn Văn Định, Lê Hữu Giang.… Những mùa giải đầu tiên, các chức vô địch lần lượt thuộc về các golfer nước ngoài, như golfer Việt kiều – Andy Chu Minh Đức (2017), golfer Thái Annop Tangkamolprasert (2018), thì đến 2 mùa giải sau, các pro trong nước đã lên ngôi với hai chức vô địch thuộc về Trần Lê Duy Nhất (2019) và Đỗ Hồng Giang (2020).

Những kết quả này thực sự là kết quả tích cực cho tầm nhìn của nhà sáng lập, đưa một giải golf chuyên nghiệp tới người Việt Nam, là sân chơi cho golfer chuyên nghiệp Việt Nam. Người Việt thực sự dần làm chủ cuộc chơi Vietnam Masters.

Bước sang tuổi thứ 5, Vietnam Masters nhận được sự đồng hành của ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á, nằm trong hệ thống của VGA Tour với mức tổng tiền thưởng 1,2 tỷ đồng. Giải đấu vẫn được giới golfer chuyên nghiệp trong nước tin tưởng và mong đợi.