Với 13 giải đấu cấp Quốc gia, năm 2022 sẽ đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của golf Việt Nam

Với một lộ trình cụ thể và bài bản, cùng quyết tâm tới từ Hiệp hội golf Việt Nam muốn đưa golf sôi động trở lại. Năm 2022 sẽ có nhiều giải đấu lớn làm "bận rộn" các vận động viên và Ban tổ chức.

Một năm 2021 ảm đạm của golf Việt

Sự ra đời của Hệ thống giải chuyên nghiệp VGA Tour với 5 giải đấu được ấn định, cùng sự đồng hành của Vietnam Airlines - nhà tài trợ danh xưng cho hệ thống 6 giải nghiệp dư Quốc gia khiến cho năm 2021 được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ hoàn toàn bộ mặt của golf tại Việt Nam.

VGA Union Cup là giải đấu hiếm hoi được tổ chức thành công trong năm 2021.

Những tháng đầu năm 2021, mọi chuyện đã diễn ra vô cùng suôn sẻ và trơn tru đúng như kỳ vọng của Hiệp hội golf Việt Nam. Hai giải đấu thuộc hệ thống Vietnam Airlines Amateur Series là VGA Union Cup (19-21/3/2021) và Giải Vô địch trung niên Quốc gia 2021 (9-11/4/2021) đều được tổ chức thành công với sự đón nhận nồng nhiệt tới từ cộng đồng các golfer trong nước cũng như những người hâm mộ golf tại Việt Nam. Điều này khiến cho những nhà tổ chức tin tưởng vào thành công của những giải đấu còn lại trong hành trình năm 2021 của golf Việt.

Thế nhưng khi đại dịch COVID-19 - thứ đã khiến các giải đấu lớn trên Thế giới đóng băng gần 1 năm, xuất hiện tai Việt Nam vào cuối tháng 4/2021 thì mọi thứ đã vượt qua những tính toán cũng như tầm kiểm soát của Hiệp hội golf Việt Nam, đặc biệt là với hệ thống giải chuyên nghiệp - VGA Tour và bắt đầu bằng FLC Vietnam Masters 2021.

Dù mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, những buổi họp báo công bố giải đã được diễn ra và chỉ chờ ngày khai màn với 90 golfer tham dự, nhưng vào phút chót VGA đã buộc phải huỷ tổ chức FLC Vietnam Masters 2021. Việc giải đấu chuyên nghiệp lâu đời nhất Việt Nam không thể diễn ra như báo hiệu điều chẳng lành với năm đầu tiên của VGA Tour. Để rồi sau cả 4 giải đấu còn lại trong hệ thống giải chuyên nghiệp cũng chẳng thể vượt qua được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và buộc phải hủy bỏ trong năm 2021.

VGA Tour chưa thể khởi tranh vào năm 2021.

Không chỉ các giải đấu chuyên nghiệp mà cả các giải nghiệp dư cũng chịu chung số phận. Tháng 9/2021, Hiệp hội golf Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo về việc sẽ huỷ toàn bộ các giải đấu nghiệp dư còn lại trong năm nay Vô địch Nghiệp dư Quốc gia - VAO; Vô địch Nghiệp dư Nữ Quốc gia – VLAO; Vô địch Trẻ Quốc gia Mở rộng - VJO và Giải Vô địch Đối kháng Quốc gia - VMC.

VGA Tour 2022 với những chuyển biến tích cực

Chỉ 2/11 giải đấu được lên lịch trong năm 2021 có thể diễn ra khiến cho mọi tính toán của Hiệp hội golf Việt Nam đổ bể. Tuy nhiên, không vì thế mà quyết tâm thay đổi bộ mặt golf Việt Nam của VGA bị suy giảm. Một năm đầy biến động và thách thức của dịch bệnh vừa qua, cũng có thể xem là cơ hội để VGA nhìn lại, rút ra những kinh nghiệm, đồng thời lên kế hoạch, phương án cần thiết để làm hành trang cho một sự phát triển vững chắc của golf Việt Nam trong những năm tiếp theo khi tất cả phải thích nghi với dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thái Dương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam giới thiệu về các giải đấu năm 2022.

Chính vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng những phương án để đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra từ đại dịch COVID-19, nên mới đây Hiệp hội golf Việt Nam đã công bố hệ thống giải đấu sẽ diễn ra trong năm 2022 với 11 sự kiện (5 chuyên nghiệp, 6 nghiệp dư) được lên lịch trình cụ thể.

Đối với các giải đấu chuyên nghiệp, cơ cấu giải thưởng sẽ vô cùng hấp dẫn từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng, ngang tầm với các sự kiện thuộc hệ thống Asian Development Tour. Đây là sự nỗ lực của Hiệp hội golf Việt Nam nhằm mang tới một sân chơi hấp dẫn cho các golfer chuyên nghiệp tại Việt Nam, cũng như thu hút sự quan tâm của các golfer khu vực đến tham dự.

Ngoài công sức của VGA cũng không thể quên sự đóng góp của các nhà tài trợ. Năm nay, VGA Tour sẽ đón chào 2 nhà tài trợ mới là Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á, cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh VinFast. Trong đó, Nam A Bank cam kết sẽ đồng hành với VGA Tour trong vòng 4 năm tiếp theo. Cùng với đó, Hệ thống giải chuyên nghiệp của Việt Nam cũng đón chào sự trở lại của nhà tài trợ quen thuộc là hãng xe hơi nổi tiếng Lexus với giải đấu đầu tiên trong năm 2022 mang tên - Lexus Challenge. Sự đồng hành của các nhà tài trợ sẽ là tiền đề để golf Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm tới.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt trong mùa giải chuyên nghiệp năm 2022 là việc lần đầu tiên VGA Tour sẽ mở bảng đấu dành riêng cho các golfer nữ. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch phát triển golf nữ, đặc biệt là golf chuyên nghiệp nữ của Hiệp hội golf Việt Nam. Với mức thưởng từ 100-200 triệu đồng, VGA hy vọng các nữ golfer sẽ nhìn thấy tương lai và sẵn sàng tập luyện để trở thành các golfer chuyên nghiệp trong tương lai không xa.

Nâng cao chất lượng Hệ thống giải giải đấu Nghiệp dư

Với hệ thống giải đấu nghiệp dự, Hiệp hội golf Việt Nam vẫn duy trì 6 sự kiện đã có tên tuổi và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ cộng đồng. Đó là: Giải Vô địch Trung Cao niên Quốc Gia - VSC (28-29/5/2022), Giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia - VAO và Giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia Nữ - VLAO (21- 24/7/2022), Giải Vô địch Trẻ Quốc gia Mở rộng - VJO (29-31/7/2022), Giải Vô địch Đối kháng Nghiệp dư Quốc gia - VMC (22-25/9/2022) và Giải Vô địch các Câu lạc bộ Toàn quốc (25-27/11/2022).

Chất lượng chuyên môn của các giải đấu nghiệp dư trong năm 2022 sẽ được nâng cao.

Nhận thấy được trình độ các golfer Việt Nam đang ngày một được tăng cao nên VGA đã mạnh dạn hạ điểm chấp của các sự kiện diễn ra trong năm 2022. Giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia, Giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia Nữ, và Giải Vô địch Đối kháng Nghiệp dư Quốc gia sẽ điều chỉnh giảm mức điểm chấp tối đa để được phép thi đấu xuống 9.0 với Nam, và 15.0 với Nữ.

Còn giải Vô địch Trung niên Quốc Gia (VSC) sẽ giảm điểm chấp tối đa để được phép thi đấu xuống 15.0 với Nam và 24.0. Cùng với đó, từ năm 2022, giải VSC sẽ chính thức tính kết quả theo điểm gross thay vì tính net theo handicap như mọi năm. Những thay đổi trên sẽ giúp các giải đấu nghiệp dư sẽ có chất lượng chuyên môn cao hơn và trở nên hấp dẫn hơn soi với những năm trước đó.

Các golfer trẻ sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè Quốc tế.

Ngoài các giải đấu được tổ chức bởi Hiệp hội golf Việt Nam, các golfer nghiệp dư sẽ còn 2 giải đấu vô cùng quan trọng trong năm 2022 là SEA Games 31 và Đại hội TDTT Toàn Quốc 2022. Trong đó, SEA Games 31 là cơ hội để các golfer Việt Nam có cơ hội so tài với bạn bè trong khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ các golfer tại các Quốc gia có nền công nghiệp golf phát triển như Thái Lan, Malaysia hay Philippines.

Với 13 giải đấu và một lộ trình cụ thể, trải dài từ tháng 3 tới tháng 12, cùng quyết tâm tổ chức toàn bộ các sự kiện của VGA, năm 2022 hứa hẹn sẽ đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của golf Việt Nam.