Vì sao trọng tài golf Việt Nam đạt chứng chỉ Level 3 sẽ tăng nhanh chóng trong năm nay?

Tại khóa học Level 3 TARS ở sân golf Tân Sơn Nhất vừa mới kết thúc thời gian gần đây, Việt Nam góp mặt với 11 đại diện và tất cả đều được dự đoán sẽ vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ Level 3.

Vào ngày 02 đến 04/10, cộng đồng golf Việt chứng kiến một kỳ tích đáng nhớ khi khóa học luật golf Level 3 Tournament Administrators and Referees Seminar (TARS) lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Càng bất ngờ hơn khi Hội đồng luật R&A – tổ chức cao nhất về quản lý luật golf – chọn đất nước hình chữ S thay vì những quốc gia mạnh về golf khác ở châu Á để làm nơi giảng dạy khóa TARS đầu tiên theo luật 2019.

Tất cả giảng viên và học viên tham dự khóa học TARS ở sân golf Tân Sơn Nhất. (Ảnh: VN Centre)

Tuy nhiên điều này không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả từ quá trình phát triển lâu dài và định hướng đúng đắn của Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) trong những năm qua. Một trong số đó là mục tiêu nâng cao số lượng những cá nhân có hiểu biết chuyên sâu về ngành golf, đặc biệt là luật golf và điều hành giải đấu.

Bởi từ trước đến nay, các giải golf phong trào luôn chiếm số lượng áp đảo ở Việt Nam với chất lượng chuyên môn không cao. Chính việc thiếu nhân lực chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và điều hành giải đấu đã khiến ngành golf Việt không thể bứt phá dù có rất nhiều tiềm năng.

Chính vì thế việc khóa học TARS xuất hiện giống như một “làn gió mới”, đem đến nhiều cơ hội cho những ai đam mê với luật golf và điều hành giải đấu. Dù vậy do giới hạn từ R&A, mỗi năm Việt Nam chỉ có thể cử 2 đại diện đến St. Andrews (Scotland) để tham dự kỳ thi chứng chỉ luật golf Level 3. Vì điều này mà đến nay nước ta mới chỉ có 6 trọng tài golf đạt chứng chỉ này và có lẽ số lượng chỉ có thể tăng lên 2 người mỗi năm nếu như không có kỳ TARS ở sân golf Tân Sơn Nhất vừa qua.

Khâu thực địa là một trong những phần quan trọng của khóa học.

Đáng ra Việt Nam không phải là điểm đến của R&A trong khóa học lần này nếu như Hong Kong, nơi được lựa chọn trước đó không rơi vào trạng thái bất ổn chính trị sau các cuộc biểu tình. Nhờ vào lý do này cũng như đà phát triển chóng mặt về golf ở Việt Nam trong nhiều năm qua, VGA đã thuyết phục thành công R&A trong việc chuyển địa điểm lớp học, qua đó mang đến một điều đáng tự hào cho golf Việt.

Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là điều bất ngờ nhất tại khóa học vừa qua. Điểm đáng chú ý nhất chính là việc nước chủ nhà có đến 11 đại diện trên tổng số 68 thành viên tham dự, tức chiếm khoảng 16%. Trao đổi với Golf News, đại diện VGA cho biết con số áp đảo hoàn toàn các nước khác ở châu Á này có được nhờ một số quốc gia gặp khó khăn trong việc cử học viên tham dự. Nhờ đó thay vì chỉ có 3 suất tham dự theo nguyên tắc, VGA có thể cử thêm nhiều cá nhân ưu tú nhất của mình.

Việc thành lập Hội đồng Trọng tài Quốc gia hồi đầu tháng 2 vừa qua cũng là bước đệm cần thiết, bởi từ đây đội ngũ trọng tài golf ở Việt Nam có thể được quản lý và phát triển một cách chuyên nghiệp có hệ thống và mang tính bền vững.

Chúng tôi rất nghiêm khắc trong việc lựa chọn học viên tham dự TARS”, ông Vũ Nguyên – Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia cho biết. “Thứ nhất, họ phải là thành viên xuất sắc của Hội đồng Trọng tài. Thứ hai, họ sẽ là những người đặt sự cống hiến và đem sự phát triển nền golf Việt Nam lên hàng đầu vì sau khi hoàn thành khóa học, các thành viên này sẽ được hướng đến việc đảm nhận Trưởng ban Trọng tài hay Giám đốc Giải. Đây là những người trực tiếp điều hành giải đấu nên và hy vọng những thành viên này sẽ mang kiến thức lan tỏa đến những người chơi golf khác ở địa phương”.

Một sự kiện đặc biệt như TARS hẳn nhiên đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho các học viên, đặc biệt là một số trọng tài golf ở Việt Nam bởi đúng ra họ sẽ phải chờ đợi một thời gian dài để được tham dự do việc giới hạn suất học ở mỗi năm. Do đó ở khóa học vừa qua, tất cả đã tận dụng tốt cơ hội hiếm có này để nâng cao trình độ cho bản thân.

Trải qua ba ngày, tôi cảm thấy khóa học này rất bổ ích khi nó bao gồm tất cả những thứ liên quan đến tổ chức giải đấu, hỗ trợ người học hiểu sâu hơn về cách tổ chức một giải đấu như thế nào”, học viên Trần Trọng Đăng Khoa cho biết. “Các giảng viên từ R&A và Asian Tour đã chia sẻ rất nhiều thông tin khi thực hiện công tác trọng tài, đem đến nhiều kinh nghiệm cho người tham dự”.

Nói về cơ hội vượt qua kỳ thi Level 3, phần lớn học viên Việt Nam đều tự tin dù cho rằng đề thi có phần phức tạp hơn Level 2 rất nhiều. Học viên Quách Thị Thanh Thuần chia sẻ: “So với lớp Level 2 vốn có nhiều nội dung cơ bản hơn, lớp Level 3 đòi hỏi học viên phải nhớ kỹ hơn về các điều luật để có thể làm bài thi tốt. Sẽ có khá nhiều người qua được bài thi này, nhưng để đạt điểm cao thì cần phải nhớ hết tất cả các luật và đó là điểm khó nhất trong quá trình thi Level 3”.

Dự kiến số lượng trọng tài golf Việt Nam đạt chứng chỉ Level 3 sẽ tăng mạnh khi kết quả kỳ thi mới đây được công bố. (Ảnh: VN Centre)

Tương tự như lớp Level 2, học viên tham dự kỳ thi sau khóa học TARS sẽ cần ít nhất 60 điểm để nhận chứng chỉ Level 3, trong khi mức điểm 80 và 90 sẽ mang đến xếp hạng loại Giỏi (Merit) và Xuất sắc (Distinction). Hồi đầu năm, Việt Nam từng gây ấn tượng ở kỳ thi diễn ra ở Scotland khi trọng tài Phan Ngọc Tâm đạt số điểm kỷ lục 98/100, trở thành một trong những người có thành tích tốt nhất, qua đó chứng tỏ trình độ và sự hiểu biết của người làm công tác luật golf và điều hành giải đấu không kém gì các quốc gia khác.

Hiện nay Việt Nam chỉ mới có 6 trọng tài đạt chứng chỉ Level 3, tuy nhiên chắc chắn con số này sẽ tăng lên rất nhiều khi kết quả kỳ thi vừa qua được công bố trong thời gian tới. Hy vọng rằng với sự lớn mạnh về tổ chức trọng tài và điều hành giải đấu, các giải đấu nước nhà sẽ ngày càng chuyên nghiệp và quy mô hơn, kéo theo sự phát triển của nền golf Việt trong tương lai không xa.

Khóa học luật golf Level 3 TARS 2019 đã khép lại: Hy vọng sự chuyển biến của nền golf Việt