Rory McIlroy - Vinh quang sau cùng cho trái tim không bao giờ bỏ cuộc

Rory McIlroy đã chạm tay vào chiếc Green Jacket, khép lại hành trình Grand Slam dang dở suốt hơn một thập kỷ. Một chiến thắng không chỉ mang ý nghĩa danh hiệu, mà còn là phần thưởng xứng đáng cho trái tim luôn can đảm theo đuổi giấc mơ đến tận cùng.

Rory McIlroy đã không thể ngăn nổi những giọt nước mắt. Anh khuỵu gối xuống thảm cỏ Augusta National, hai tay ôm đầu, mái tóc điểm bạc rối bời trong gió. Một chương dài của hành trình đầy thử thách cuối cùng đã khép lại, và nó diễn ra theo một cách ngọt ngào nhất.

Chiếc Green Jacket mơ ước suốt hơn một thập kỷ nay đã thuộc về anh. Không còn là những lần gục ngã, không còn những cú trượt chân vào phút chót, không còn những ánh mắt nghi ngờ. Chỉ còn McIlroy, một con người kiên định, cuối cùng cũng chạm tay vào vinh quang định mệnh của đời mình.

Anh ôm chầm lấy người bạn đồng hành lâu năm, caddie Harry Diamond, cả hai rời khỏi green với cánh tay quàng qua vai nhau. Rồi đến giây phút đoàn tụ với vợ con, những bước đi qua đám đông khán giả đang hô vang tên mình - những giọt nước mắt ấy như rửa trôi mọi nghi ngờ, mọi chỉ trích về con người và sự nghiệp của McIlroy. Những giọt nước mắt của giải thoát, của vinh quang, của một hành trình đầy đau đớn và hoài nghi, rằng liệu ngày này có bao giờ đến?

Chặng đường không hề dễ dàng, đương nhiên là không. Nếu dễ, thì cơn khát danh hiệu The Masters ấy đã không kéo dài suốt hơn thập kỷ qua. Và nó phải xảy ra theo cách đó, bởi sự cứu rỗi thật sự chỉ đến khi ta vượt qua được chính nỗi ám ảnh lớn nhất đời mình. McIlroy đã làm được điều mà không ít người tin là bất khả thi. Anh đã đứng vững nơi mà biết bao nhà vô địch khác từng gục ngã. Anh giành chiến thắng từ bàn tay của định mệnh - chiến thắng mà cả thế giới golf đã mong chờ.

Dưới bầu trời trong xanh, giữa thảm cỏ xanh ngát của Augusta National và đám đông khán giả, Rory McIlroy chính thức trở thành nhà vô địch Masters 2025.

“Tôi muốn mở màn buổi họp báo bằng một câu hỏi: Sang năm, chúng ta sẽ nói chuyện gì nữa đây?”, McIlroy nửa đùa nửa thật sau khi đánh bại Justin Rose ở hố play-off. “Đây là giấc mơ thành hiện thực. Tôi đã mơ về khoảnh khắc này từ thuở còn bé... Có những lúc trong sự nghiệp, tôi không biết liệu mình có cơ hội khoác lên chiếc áo này không. Tôi đã không khiến mọi thứ dễ dàng hơn hôm nay. Thật sự là một trong những ngày thi đấu khó khăn nhất đời tôi”.

Làm sao kể hết một ngày mà thời gian như ngưng đọng? Một ngày nén chặt 10 năm vào từng cú đánh?

McIlroy thú nhận anh hồi hộp từ sáng, và không ai trách anh vì điều đó. Ngay cú phát bóng đầu tiên đã lạc hướng, dẫn đến double bogey ở hố số 1. Trong vòng nửa giờ, lợi thế 2 gậy dẫn biến thành 1 gậy thua trước Bryson DeChambeau. Nhưng golf luôn có cách xoay chuyển. 2 birdie liên tiếp cùng lúc với hai bogey của DeChambeau giúp McIlroy vượt lên dẫn 3 gậy. Rồi ở hố 7, từ rừng thông, cú đánh “điên rồ” của anh vòng qua chướng ngại vật, đưa bóng đến vị trí an toàn - dường như tuyên bố: hôm nay là ngày của Rory. Anh dẫn trước 4 gậy khi hết 9 hố đầu, và củng cố bằng một birdie ở hố 10.

Nhưng chẳng ai yên tâm khi bước vào Amen Corner. Hố 11, cú đánh của anh may mắn thoát nước nhưng vẫn dính bogey. Hố 13, McIlroy chơi thận trọng bằng gậy 3 gỗ và lay-up. Nhưng thay vì đưa bóng an toàn, anh lại liều lĩnh tấn công cờ khiến bóng rơi xuống suối, dẫn đến điểm double bogey. Cùng lúc, Justin Rose ghi 2 birdie liên tiếp. Trong ba hố, lợi thế của McIlroy biến mất.

“Cú đánh đó từ khoảng 82 yards, bóng nằm trên dốc nhẹ, tôi biết thường bóng sẽ ra hơi lệch trái”, McIlroy kể lại sai lầm ở hố 13. “Tôi để dư vài yards bên phải, không nhắm vào suối, nhưng bóng ra hơi yếu và lệch phải… và double. Một hố lẽ ra là birdie”.

Lịch sử ám ảnh tại các kỳ major dường như đang lặp lại, một lần nữa. Một giấc mơ tan vỡ ngay trước mắt. Bao lần chạm tới vinh quang chỉ để chứng kiến người khác bước lên bục chiến thắng, mỗi lần hụt hẫng như một vết cắt mới vào di sản của chính anh.

Nhưng rồi…

Augusta National luôn có chỗ cho điều kỳ diệu.

Hố 15 par-5, cú second shot từ 209 yards vòng qua cành cây, bóng dừng cách cờ 6 feet. Anh bỏ lỡ điểm eagle, nhưng birdie giúp anh tạm chiếm lại lợi thế, cho đến khi Rose ghi birdie từ putt dài ở hố 18. Tất cả lại cân bằng.

Hố 17, McIlroy tung cú 8 sắt từ 196 yards, đường bóng ngoạn mục đi qua rừng cây, dừng lại sát cờ và birdie dễ dàng, giúp dẫn trước một gậy. Đến hố 18, cú tiếp cận của anh rơi vào bunker phải, tiếp đó anh thực hiện cú đánh cát tuyệt vời đã đưa bóng cách miệng hố chỉ 5 feet. Nhưng putt quyết định của McIlroy lại không thể đưa bóng vào hố, và khiến anh phải bước vào hố play-off với Justin Rose. 

Khi đó, Harry Diamond - người bạn, người caddie bị chỉ trích suốt bao năm - đã giữ cho Rory tỉnh táo, anh nhắc nhở golfer người Bắc Ireland rằng họ sẽ vui vẻ chấp nhận một trận play-off. 

Trở lại hố 18 par-4 cho trận play-off, Rose mất 2 gậy để đưa bóng on green và cách miệng hố 20 feet. McIlroy cũng đáp trả vô cùng hoàn hảo, cú second shot bằng cây gậy wedge từ 125 yards, bóng dừng cách cờ 4 feet. Rose putt trượt. Rory bước lên, và khi bóng lăn trọn vào hố, anh như bùng nổ - kiệt sức, tan chảy trong cảm xúc, và cuối cùng được sống trong khoảnh khắc mà anh mong đợi nhất. 

Khó tin chăng, khi nói có điều gì đó thiêng liêng ở Augusta National ngày hôm đó? Khán giả bàn tán từ sáng sớm về cơ hội của McIlroy. Mọi ánh nhìn đổ dồn vào anh như thể số phận đã được sắp đặt. Đó không chỉ là thể thao, đó là sự cộng hưởng của hàng chục ngàn trái tim tin vào một khoảnh khắc kỳ diệu.

Quan trọng hơn cả, khán giả nhận ra rằng trước mặt họ là một con người đã đặt cược mọi thứ. Và chính điều đó lý giải vì sao khoảnh khắc ngày Chủ Nhật ấy lại trở thành một trải nghiệm mang tính cộng đồng. Người hâm mộ thể thao vốn có xu hướng hướng theo những người chiến thắng, chạy theo ánh hào quang của những người đang đứng trên đỉnh cao. Golf cũng không ngoại lệ, và phần nào điều đó giúp lý giải sức hút bền bỉ của McIlroy. Nhưng trong khi vô số ngôi sao khác chỉ dừng lại ở mức được yêu mến, thì McIlroy lại truyền cảm hứng gần như mang tính tôn giáo ở bất kỳ nơi đâu anh thi đấu. Chỉ có anh và Tiger Woods cùng tồn tại ở một tầng trời khác, như hai mặt trời trong dải ngân hà golf. Điều gì tạo nên lực hút kỳ lạ đó thật khó lý giải rạch ròi, nhưng sự tương phản giữa họ thì rất rõ ràng.

Tiger Woods đã tự xây quanh mình những bức tường kiên cố, tạo nên khoảng cách rõ rệt giữa anh và người hâm mộ. Anh không cần ai đến gần, chỉ cần thi đấu rực rỡ đến mức người ta buộc phải ngưỡng mộ anh, thần phục anh, đơn giản vì anh quá giỏi. Còn McIlroy thì ngược lại. Ngay cả khi ở đỉnh cao phong độ, anh chưa bao giờ khiến người ta phải khuất phục chỉ vì tài năng. Sức hút của anh đến từ một điều khác hẳn, gần gũi hơn, bản năng hơn, và giản dị hơn rất nhiều. Trong khi Tiger xây tường, thì McIlroy chủ động phá bỏ chúng, từng viên gạch một. Anh không chỉ chấp nhận sự hiện diện của người hâm mộ, mà còn khao khát điều đó. Anh mời gọi họ cùng đồng hành, chứng kiến từng nỗi đau và từng khoảnh khắc vinh quang. Và khi những bức tường đó sụp xuống, người ta không thấy một huyền thoại lạnh lùng như tượng đá, mà là một con người bằng xương bằng thịt, với những tổn thương sâu sắc. 

Đó là điều ta đã thấy ở The Open 2019 tại Royal Portrush, khi McIlroy bật khóc sau nỗ lực tuyệt vọng để vượt cắt ngay trên sân nhà, và rồi vẫn lỡ hẹn. Ở Ryder Cup 2021, khi nước mắt trào ra không kìm nén nổi vì sự tin tưởng của đồng đội lúc anh đánh mất chính mình. Ở The Open 2022, nơi anh biến St. Andrews thành sân nhà, rồi lại lặng lẽ tựa đầu vào vai vợ khi xe chở anh rời khỏi Old Course, nặng trĩu vì cảm giác mình đã phụ lòng cả một châu lục.

Cảm xúc ấy không phải lúc nào cũng cao thượng. Anh từng bị cảm xúc lấn át ở Rome, trong cuộc đối đầu căng thẳng với tuyển Mỹ ngay tại bãi đỗ xe. Hay tại Pinehurst, khi anh rời khỏi hiện trường với tiếng lốp xe rít vang, sau một cú trượt chân đắng cay nữa. Nhưng những khoảnh khắc ấy, dù huy hoàng hay tăm tối, chính là sự phản chiếu đầy đủ của một đời sống con người. Bởi trong khi hàng trăm thất bại có thể bị thời gian cuốn trôi, những lần “đầu hàng” cảm xúc như của McIlroy lại cứ vang vọng mãi, bởi vì phần lớn chúng ta không thể hiểu được cảm giác sở hữu tài năng siêu việt, nhưng ta lại thấu rõ cảm giác theo đuổi một giấc mơ mà chính mình cũng bắt đầu sợ rằng sẽ chẳng bao giờ chạm tới.

Từ lúc còn là cậu bé 9 tuổi xuất hiện trên truyền hình Ireland, McIlroy đã mang trên vai kỳ vọng của cả thế giới. Và giờ đây, với chiến thắng này, những tiếng hô “RORY!” vang vọng không đơn thuần là cổ vũ, mà là sự giải thoát, là tiếng reo mừng cho một hành trình quá đỗi gian nan.

“Chiến thắng này có ý nghĩa tất cả với anh ấy. Đó là điều duy nhất anh ấy nghĩ đến, nói đến suốt bao năm qua”, Shane Lowry chia sẻ. “Anh ấy từng nói với tôi rằng nếu vô địch The Masters, anh ấy có thể nghỉ hưu mà không tiếc nuối gì. Giờ thì anh ấy có thể làm điều đó”.

Ngay cả Justin Rose cũng thốt lên: “Tôi nói với Rory – tôi rất vinh dự được đứng đây chứng kiến anh hoàn thành Grand Slam. Một khoảnh khắc thật vĩ đại với làng golf”.

Bryson DeChambeau cũng xúc động: “Tôi suýt khóc thay cho anh ấy sau hố 13. Tôi biết điều đó có ý nghĩa lớn thế nào”.

Cuối cùng, Rory đã dám đặt trái tim mình lên thánh địa Augusta National, nơi từng nhiều lần khiến anh tổn thương. Anh hiểu rằng tình yêu mãnh liệt dành cho giấc mơ ấy luôn kèm theo nguy cơ tan vỡ. Nhưng anh vẫn đi tiếp. Và hôm nay, chính trái tim ấy đã chiến thắng.

Không cần phải nghi ngờ gì nữa, McIlroy đã chứng tỏ mình là một chiến binh quả cảm hiếm có - và vào Chủ nhật ở Augusta, chiến binh ấy như thì thầm rằng: chính anh mới là cơn bão. Anh đã dám chấp nhận mọi rủi ro, kể cả sự sụp đổ, bởi đó là cái giá phải trả cho những giấc mơ vĩ đại. “Và đừng bao giờ ngừng theo đuổi ước mơ”, McIlroy nói với cô con gái nhỏ trong lễ trao Green Jacket. Đó không chỉ là lời dạy của một người cha. Đó là sự thật rút ra từ trải nghiệm khắc nghiệt, từ một tâm hồn đầy vết thương sau những năm tháng không ngừng chiến đấu. Và chính vì thế, nó mang sức nặng tuyệt đối.

Phần thưởng mà anh nhận được không chỉ là thứ anh hằng mong đợi, mà còn là điều tất cả chúng ta đã cùng hy vọng thay anh trong suốt một thập kỷ qua.

Rory McIlroy, sau cùng, đã là nhà vô địch Masters - mãi mãi là như thế.